Đại học RMIT Việt Nam số hóa các dịnh vụ thư viện bằng việc tích hợp các công cụ trí tuệ nhân tạo, giúp người học tận dùng tài nguyên học liệu hiệu quả hơn.
Đại diện RMIT chia sẻ, thư viện đại học là nơi giúp tăng cường và nâng cấp khả năng truy cập thông qua việc thúc đẩy mô hình tích hợp các tài nguyên, dịch vụ có thể truy cập, hiển thị. Đồng thời, đây cũng là nơi tổ chức các buổi đào tạo trực tuyến cho người dùng, thay vì đơn thuần là không gian đọc.
Theo đó, mới đây, RMIT Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Thư viện đại học trong thế giới hậu Covid” với sự tham dự của hơn 50 đại diện thư viện đại học trên cả nước. Tại đây, các chuyên gia đã thảo luận về kinh nghiệm, chiến lược phát triển thư viện trong và sau đại dịch.
Theo ông David Howard – Giám đốc Thư viện Đại học RMIT (Australia) chia sẻ, khi số hóa các dịch vụ thư viện, nơi đây có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều sinh viên và giảng viên hơn. Từ đó, thư viện các trường không còn bị giới hạn bởi không gian vật lý và cung cấp dịch vụ cho người dùng mọi lúc, mọi nơi.
Cụ thể, Thư viện RMIT Việt Nam đã được ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), mang đến cho người dùng cơ hội tiếp cận nguồn tài nguyên khổng lồ. Đồng thời, thủ thư nhận nhiệm vụ nhanh chóng nâng cao kỹ năng, hỗ trợ sinh viên và giảng viên trong việc sử dụng AI.
Ông Howard gợi ý rằng các thư viện đại học có thể bắt đầu hành trình AI với bốn công cụ chính: Tome – tạo bản thuyết trình thông qua từ khóa, ChatGPT (OpenAI) – tạo văn bản bằng từ khóa, Glasp – sắp xếp ý tưởng và nguồn và Pollinations – thu thập hình ảnh với từ khóa.
Các diễn giả từ RMIT cũng chia sẻ kinh nghiệm về cách khai thác và ứng dụng Tài nguyên giáo dục mở (OER) để hỗ trợ hoạt động dạy và học tại các cơ sở ở Việt Nam. Đây là một loại tài nguyên cung cấp truy cập trực tuyến và miễn phí cho giáo viên, sinh viên trên toàn thế giới. Thư viện RMIT Việt Nam cũng khởi động sáng kiến OER để nâng cao nhận thức và tiến hành các hội thảo đào tạo cho thủ thư, giảng viên và sinh viên từ năm 2016.
Để bắt đầu dự án này, trường đã phát triển bộ hướng dẫn OER, nâng cao nhận thức của người dùng tiềm năng, nâng cấp kỹ năng cho thủ thư và giảng viên và lồng ghép OER vào các hoạt động của thư viện.
Tuy nhiên, không phải lúc nào quá trình số hóa cũng dễ dàng đối với các thư viện đại học. Các trường cần đảm bảo duy trì hỗ trợ cá nhân cho sinh viên ở mức độ cao. Thủ thư lành nghề đằng sau các dịch vụ số là điều rất quan trọng đối với quá trình số hóa thư viện.
“Đội ngũ thủ thư giàu chuyên môn giúp chúng tôi có được kết quả số hóa tốt nhất cho sinh viên, các nghiên cứu viên và giảng viên”, ông David Howard nhấn mạnh.
Cũng tại đây, ông Rex Steiner – Quản lý cấp cao Dịch vụ thư viện và kỹ thuật số RMIT Việt Nam cho biết, việc khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động của thư viện mang lại nhiều lợi ích. Trong đó, sinh viên có thể nắm rõ tất cả các hoạt động, dịch vụ và tài nguyên của thư viện, đồng thời, cập nhật về các sự kiện đang diễn ra.
“Mô hình này còn cho phép người học nhận biết những lợi ích khác nhau khi làm quen với các dịch vụ và tài nguyên của thư viện”, ông nói thêm.
Thư viện RMIT Việt Nam cũng đang ứng dụng nhiều thay đổi và cập nhật nội dung mới để củng cố mô hình lấy sinh viên làm trung tâm. Trong hai năm qua, trường đã tổ chức nhiều sự kiện theo mô hình này như “Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng thư viện”, “Hội thi cảm nhận về sách” hay “Chuỗi sự kiện chào đón tân sinh viên”.
Ngoài ra, vào năm 2021, RMIT đã chuyển sự kiện lớn nhất trong năm – “Xây dựng thư viện mơ ước” sang hình thức trực tuyến. Đây là cuộc thi cho phép sinh viên thiết kế và đưa ra các tính năng họ muốn hiện thực hóa. Số lượng thí sinh tham gia tăng lên so với các năm trước, đạt mức hơn 300 sinh viên.
Song song, Thư viện RMIT duy trì các hoạt động phục vụ sinh viên và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với sinh viên trong giai đoạn trong và sau Covid-19 bằng cách tích hợp cả hoạt động trực tiếp – trực tuyến.
“Chìa khóa dẫn đến thành công lâu dài cho sinh viên và thủ thư trong mô hình lấy sinh viên làm trung tâm là thiết lập các mối quan hệ tích cực thông qua giao tiếp ý nghĩa. Thủ thư cần đặt mình vào vị trí của sinh viên, sẵn sàng lắng nghe và đồng cảm”, ông Rex Steiner khẳng định.
RMIT đang dùng các dịch vụ thuê bao phần mềm thư viện số, phần mềm quản lý các dịch vụ di động cao cấp và chuyên nghiệp nhất hiện nay gồm ALMA/PrimoVE, Leganto và CampusM. Đây là các dịch vụ phần mềm đứng đầu thế giới trong lĩnh vực thư viện và quản lý dịch vụ di động trong môi trường đại học của Tập đoàn Ex Libris, Israel, hiện đang là một phần của tập đoàn toàn cầu Clarivate, Mỹ
— nguồn VNExpress —