Vũ Sỹ Dũng, TED Engineering Documents JSC
GIỚI THIỆU
Hơn 30 năm qua, trong ngành thư viện thế giới, khi muốn triển khai một hệ thống quản lý thư viện thì chúng ta ai cũng hiểu dễ dàng về Mô hình quản lý thư viện, tự động hóa thư viện hiện đại với “Hệ thống thư viện tích hợp – ILS”. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, một trong những hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại lớn đang đề cập đến, cũng như làm nổi lên một khái niệm hay một thuật ngữ mới đó là “Ứng dụng Dịch vụ quản trị Thư viện – LSP” (LSP: Library Service Platform). Sự ra đời khái niệm LSP đang dẫn đến một số hiểu nhầm đáng tiếc rằng vai trò của ILS trong thư viện đang dần mất đi. Sau khi xem xét một cách thông suốt, rõ ràng về yếu tố tạo nên khái niệm mới, các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực thư viện đã kết luận rằng LSP là một khái niệm khi thư viện triển khai:
- Tập hợp các ứng dụng quản lý cùng lúc các dạng tài nguyên thông tin hay bộ sưu tập tài liệu dưới định dạng in, số và xuất bản điện tử trực tuyến.
- Tập hợp trên được tích hợp trong một kiến trúc quản lý thống nhất, đồng bộ và sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây có khả năng chia sẻ và mở rộng cao.
Bản thân LSP cũng bao gồm toàn bộ và đầy đủ các chức năng của một hệ thống ILS như các thư viện đã từng thấy và sử dụng, nhưng được chuyển giao tới thư viện theo một hình thức mới: một dịch vụ dữ liệu điện toán đám mây (cloud-based Service) từ xa do các hãng phát triển phần mềm cung cấp từ các trung tâm dữ liệu tập trung (Data Center).
Một khi thư viện hội tụ đủ các ứng dụng và chức năng giúp thư viện quản lý tất các đối tượng quản lý như bộ sưu tập in, số, xuất bản điện tử trực tuyến, các đối tượng đa phương tiện như âm thanh, videoclips…, hay thậm chí cả các bộ dữ liệu đầu ra nghiên cứu, bao gồm cả các chương trình phần mềm mô phỏng …. thì khi đó thư viện đã đạt thế hệ quản lý thư viện thế hệ kế tiếp/mới (next/new generation LMS).
Marshall Breeding, tác giả của nhiều bài viết về công nghệ thư viện trên tờ “Smarter Libraries Newsletter” của diễn đàn công nghệ ALA Techsource thuộc Hiệp hội Thư viện Mỹ (ALA), nhận xét về hệ thống ILS: “ Thay vì cho rằng nó đang giảm vai trò, tôi nghĩ rằng khái niệm hệ thống thư viện tích hợp (ILS) vẫn đại diện cho một hạ tầng công nghệ phù hợp và tiên tiến, được phát triển thường xuyên cho nhiều loại hình thư viện. Tôi lo lắng rằng các thủ thư đang đọc nhiều thông tin về LSP sẽ có tác động hiểu sai lầm rằng những sản phẩm được xem là các hệ thống ILS đã trở nên lỗi thời. Tôi thấy nhiều sản phẩm thuộc hệ thống ILS không chỉ vẫn tồn tại, mà còn thực sự phát triển liên tục để đáp ứng những nhu cầu quản lý tương lai của thư viện…” 1
BẢN CHẤT CỦA CÁC NỀN TẢNG PHẦN MỀM
Vậy, cho dù chúng ta nói về các ứng dụng quản trị thư viện “LSP- Library Service Platform ”, nhưng nhiều thư viện viên và nhà cung cấp giải pháp thư viện lại vẫn chưa hiểu được đầy đủ về một hệ sinh thái thư viện hoạt động vận hành liên kết tích hợp và dựa trên một nền tảng ứng dụng như thế nào.
Một ví dụ kinh điển về nền tảng ứng dụng phần mềm đó là hệ điều hành Windows. Microsoft đã phát triển một số ứng dụng Windows được sử dụng phổ biến nhất hiện nay (Words, Excel,…) nhưng hầu hết các ứng dụng phần mềm trên nền tảng Window không phải được phát triển bởi Microsoft. Chúng ta không muốn mua ứng dụng Word, vì nó đã được tích hợp vào hệ điều hành Window hay MAC OS. Vậy, nó đã sẵn có. Microsoft cũng tạo cơ hội cho các lập trình viên từ các công ty khác, thậm chí những công ty cạnh tranh với họ công cụ và dịch vụ để phát triển các ứng dụng sử dụng nền tảng Windows. Thực vậy, việc sử dụng một mạng lưới các nhà phát triển và một số hình thức thu hút khác đã khiến khích lệ các công ty bên thứ 3 sử dụng nền tảng của họ. Tại sao? Vì một khi các ứng dụng trên nền tảng Window có giá trị hơn thì nền tảng Window cũng trở lên có giá hơn. Bởi vậy, thậm chí Microsoft hay Apple còn mở rộng dịch vụ phát triển này tới các công ty cạnh tranh. Apple cũng làm điều tương tự khi cho phép các ứng dụng Quicktime và iTunes sẵn có sử dụng trên nền tảng Windows, và Microsoft làm cho ứng dụng Word sẵn có trên nền tảng Apple.
TẬP TRUNG VÀO NGƯỜI DÙNG THƯ VIỆN
Trong một thế giới rộng lớn hơn, áp lực phát triển các dịch vụ hướng tới khách hàng hay lấy người dùng làm trung tâm đang ngày càng trở lên phổ biến và không thể cưỡng lại. Việc lấy người dùng làm trung tâm đã có một ý nghĩa rõ ràng trong bối cảnh của phát triển công nghệ thông tin – xu hướng phát triển đối với bất kỳ công nghệ mới nào để có thể tiên phong trong một thị trường tiêu dùng, sau đó lan tỏa tới những tổ chức kinh doanh và chính phủ. Thị trường tiêu dùng dường như được xem như là một động lực chủ yếu của sự sáng tạo công nghệ thông tin, nhưng nó không phải lúc nào cũng như vậy. Công nghệ thông tin thường có xu hướng tập trung vào các tác vụ quản lý hay quản trị nghiệp vụ phía sau (back-end), và sau đó mới phát triển để đáp ứng nhu cầu của người dùng cuối cùng (front-end). Một ví dụ dễ nhận thấy đó là các hệ thống quản lý ngân hàng.
Các hệ thống thư viện cũng tiến hóa theo cách trên, đó là tập trung hướng tới bạn đọc, phục vụ bạn đọc, lấy bạn đọc làm trung tâm với một Mục lục công cộng trực tuyến, hay OPAC được phát triển thành một phân hệ. Có lẽ điểm gần nhất chúng ta có thể thấy ở cấp độ vận hành liên kết quan trọng giữa các hệ thống từ các nhà cung cấp giải pháp thư viện đó là ứng dụng dịch vụ phát hiện và chuyển giao tài nguyên tập trung (Front End/Unified Discovery System). Từ năm 2012, hệ thống quản trị thư viện đã hiện đại hóa và ngày càng hoàn chỉnh hơn, đồng thời có khả năng tích hợp với các tài nguyên từ xa, nó đã tạo ra cơ hội để tích hợp giải pháp phát hiện tài nguyên tập trung hay cổng tích hợp kiến thức và hệ thống quản lý nghiệp vụ, tự động hóa thư viện phía sau, ví dụ như Primo tích hợp đồng bộ với Aleph cả ở mặt dữ liệu và chức năng OPAC truyền thống, đồng thời cho phép làm việc với mô hình dữ liệu lớn (big data) hay khai thác nhiều nguồn dữ liệu dưới định dạng số và xuất bản điện tử khác sẵn có trong môi trường nối kết mạng.
ĐỊNH NGHĨA KHÁI NIỆM LSP TỪ GÓC ĐỘ CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG
Một trong những đặc tính của khái niệm “LSP” là một hệ thống bao gồm các ứng dụng giải pháp và phân hệ quản lý toàn bộ tài nguyên của thư viện từ các bộ sưu tập in, số và tài liệu xuất bản điện tử trực tuyến, hoặc như Marshall Breeding mô tả rằng “nó xử lý được mọi hình thức thể hiện của nội dung”. Ví dụ, như EBSCO họ không thể có một dịch vụ chuyển giao theo khái niệm “LSP” tới thư viện bởi vì dịch vụ của họ đến nay còn thiếu khả năng quản lý tài nguyên in, tài nguyên số nội sinh, họ chỉ có thể cung cấp dịch vụ phát hiện tài nguyên từ xa cho thư viện (Ebsco Discovery Service-EDS).
Lưu thông tài liệu in vẫn còn là một chức năng quan trọng cho hầu hết thư viện. Từ góc độ người dùng đó là sử dụng ki ốt lưu thông tự phục vụ dựa trên công nghệ RFID. Quản lý bộ sưu tập tài liệu in chắc chắn luôn là quan trọng, nhưng phần lớn ngân sách thư viện, đặc biệt là các thư viện đại học trên thế giới lại đang chi nhiều cho quản lý tài nguyên điện tử. Theo Carl Grant, phó khoa dịch vụ kiến thức và giám đốc công nghệ (Associate Dean of Knowledge Services and Chief Technology Offier) thuộc hệ thống thư viện Đại học Oklahoma (University of Oklahoma Libraries) của Mỹ, “việc phát triển các dịch vụ quản trị thư viện từ xa “LSP” được nhắc đến nhiều bởi vì mọi người cho rằng các sản phẩm quản lý thư viện có thuật ngữ “ILS” trước kia chưa đáp ứng được việc phục vụ trong môi trường số hay đã có nhiều năm phát triển. Điều này chỉ cho thấy rằng thư viện chưa sẵn có những chức năng này trong một kiến trúc thư viện mới hiện nay… Đây là cách nhìn nhận sai lầm về LSP “.2
Một quan điểm mới hiện nay hướng tới người dùng của giải pháp LSP đó là giúp thư viện giảm hay gỡ bỏ gánh nặng quản lý (“heavy lifting”) hạ tầng phần cứng và quản trị hệ thống các công nghệ của thư viện, thay vào đó sử dụng một dịch vụ quản trị thư viện từ xa (LSP) được quản lý tại một trung tâm dữ liệu tích hợp nhằm chia sẻ dữ liệu thư mục trong môi trường điện toán đám mây, trả phí thuê bao hàng năm. Nếu một hệ thống quản trị thư viện nào không cung cấp được một kiến trúc đa môi trường quản trị (“multi-tenancy”), được quản lý trong môi trường điện toán đám mây hay trung tâm dữ liệu tập trung, môi trường dữ liệu thư mục chia sẻ, thì không phải là LSP.
Một điều quan ngại cho cộng đồng thư viện khi lựa chọn giải pháp LSP được chuyển giao trong môi trường điện toán đám mây (cloud-based services) như một dịch vụ SaaS (software as-a-service) đó là có thể làm giảm tổng thể chi phí phải trả trước, nhưng cũng có thể làm tăng chi phí trả hàng năm thường xuyên cho dịch vụ này. Như vậy, tùy điều kiện, cơ chế chi tiêu tài chính của mỗi đơn vị, mỗi khu vực, mỗi quốc gia mà các thư viện có thể lựa chọn các cách đầu tư và chi tiêu phù hợp cùng một lúc hay theo từng giai đoạn.
KẾT LUẬN
Hệ thống quản trị thư viện tích hợp (ILS) và ứng dụng dịch vụ quản trị thư viện từ xa (LSP) là các hình thức chuyển giao ứng dụng quản lý thư viện khác nhau. Hệ thống ILS được thiết kế thiên về triển khai và cài đặt tại chỗ và cấp phép cho thư viện, còn LSP là một ứng dụng dịch vụ quản trị thư viện từ xa được cung cấp bởi các trung tâm dữ liệu mà ở đó ứng dụng quản trị được cài đặt tập trung để phục vụ như một dịch vụ (SaaS) tới các thư viện theo hình thức thuê bao cùng một ứng dụng quản trị.
Bản chất và tính năng luồng quản lý tài liệu giữa ILS và LSP trong thư viện hoàn toàn giống nhau. Một giải pháp quản trị thư viện thế hệ mới (new/next Library Management System generation) trong một thư viện hiện đại ngày nay khi nó hội tụ đủ các lớp ứng dụng cho phép thư viện quản lý ba dạng tài nguyên: bộ sưu tập in, bộ sưu tập số và xuất bản điện tử trực tuyến một cách đồng bộ nhằm cung cấp cho thư viện một hệ thống OPAC tìm kiếm và phát hiện cả ba dạng tài nguyên này một cách thống nhất và tại một điểm truy cập duy nhất. Việc lựa chọn hình thức chuyển giao ILS hay LSP là phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng cụ thể, cơ chế đầu tư của từng thư viện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Breeding, Marshall. (2013). Smarter Libraries through technology: the Roles of Integrated Library System and Library Service Platform. Smart Libraries Newsletters, 33 (2), 1-4. ISSN: 1541-8820. ALA Techsource.
- Carl, Grant. (Fall 2012). The future of Library Systems: Library Service Platforms. Information Standards Quarterly Journal, 24 (4), 5-15. ISSN:1041-0031.National Information Standards Organization (NISO).