Bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật và đồ tạc tác cổ của Trung Quốc có giá trị nhất trên thế giới sẽ được số hoá ở Đài Loan sau những nỗ lực vượt qua giới hạn về mặt vật lý của những người quản lý bảo tàng và những giám đốc công nghệ.

Mục tiêu của dự án này là đưa bộ sưu tập cổ lên Internet. Các nhà nghiên cứu có thể tìm thấy những thông tin hiếm trong một cơ sở dữ liệu dễ sử dụng, các giáo viên có thể download thông tin, hình ảnh và làm cho bài giảng của mình sinh động hơn, các du khách có thể thưởng ngoạn những buổi trình diễn, những bộ phim, những ca khúc, xem các tác phẩm ưa thích và tham gia vào trong chuyến "thăm quan ảo".

James Lin, Giám đốc trung tâm quản lý thông tin của Bảo tàng cung điện quốc gia ở Đài Bắc, phát biểu: "Ảnh hưởng văn hoá quan trọng hơn so với công nghệ. Chúng tôi đang cố gắng tạo sự gần gũi giữa đồ tạc tác với mọi người".

Trưng bày kho báu

Ý tưởng này là một phần trong chương trình Số hoá do chính quyền Đài Loan tài trợ với mục đích là cho cả thế giới biết đến "kho báu" này của Trung Quốc. Lần đầu tiên Trung Quốc thực hiện động thái này là vào năm 1925. Tuy nhiên, lần này, nó sẽ trưng bày kho báu của bảo tàng ở một quy mô lớn hơn. Bảo tàng cung điện quốc gia ban đầu được đặt ở Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, vào năm 1925, một năm sau khi vương triều cuối cùng ở Trung Quốc chấm dứt. Một phần của cung điện được mở cửa cho tất cả mọi người có thể xem những tài sản có giá trị được thu thập ở đây. Tuy nhiên, một vấn đề đã xảy ra và vẫn tồn tại cho tới ngày nay. Những tài sản này quá lớn, do đó, chỉ có một phần của bộ sưu tập được trưng bày vào một thời điểm nhất định.

Cơ hội online

Một điều nổi bật của thế giới online chính là không gian vô tận. Khi mà bảo tàng và tất cả các tác phẩm, đồ tạc tác của nó được số hoá và upload, người xem có thể xem được tất cả cùng một lúc. Tuy nhiên, để thực hiện điều này thì chính quyền Đài Loan cần phải có thời gian.

Hàng ngàn tác phẩm vẫn chưa được đưa vào cơ sở dữ liệu. Trong khi có thể những đồ tạc tác, bức hoạ, hay bức thư pháp có thể được hoàn thành trong vòng 5 năm tới, thì bộ sưu tập những cuốn sách hiếm lại là một câu chuyện khác. Số hoá các cuốn sách này sẽ mất rất nhiều thời gian.

Ông Lin cũng hy vọng một ngày nào đó, ông có thể tìm được cho bảo tàng một vị trí trong thế giới ảo Second Life. Tuy nhiên, bản danh sách những công việc cần làm của ông đang còn rất dài.

Theo 24h.com.vn