Sau 10 năm Internet có mặt tại Việt Nam, những con số thống kê đã cho thấy sự phát triển vượt bậc của cơ sở hạ tầng và số dân được tiếp cận Internet. Nhưng thực tế, hiệu quả xã hội của quá trình phát triển đó đối với người dân, đặc biệt là đối với người nông dân và trong lĩnh vực giáo dục đào tạo vẫn còn rất khiêm tốn. Nhiều chuyên gia về CNTT và viễn thông khẳng định: Bài toán phát triển Internet hiện tại của Việt Nam là phát triển nội dung số. |
Cuối cùng thì Kiên (sinh viên năm thứ 3 – khoa Cơ khí, ĐH BKHN – quê Tuyên Quang) cũng quyết định lắp đường ADSL về chỗ trọ. Có nghĩa là mỗi tháng cậu sẽ phải nhịn ăn nhịn tiêu một chút, bỏ ra cỡ 200 ngàn trả tiền chi phí ADSL, với hy vọng sẽ có được thật nhiều kiến thức về chuyên ngành phục vụ học tập. Kết qủa là hai tháng nay, cậu chỉ biết có… Game online và chat chit!
Có phòng máy hiện đại cho sinh viên đã là tuyệt vời, nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu có thật nhiều thư viện điện tử, cổng thông tin hấp dẫn, kho ebook, tài liệu.. lớn và có chất lượng chung cho nhiều trường Đại Học để sinh viên khai thác phục vụ học tập. (ảnh phòng máy cho SV tại KTX Mễ Trì – Thanh Xuân – HN) (ảnh Thế Phong). |
"Em nhờ cả mấy anh chuyên gia về mạng ở khoa CNTT cũng tìm không được mấy cái ebook và tài liệu về cơ khí, có chăng chỉ những tài liệu tiếng Anh và tiếng Đức là đáng giá, nhưng cũng rất dễ nản do trở ngại vốn ngoại ngữ" – Kiên phân bua.
"Hôm trước, chú của em ở quê điện thoại, bảo nghe người ta nói trên Internet cái gì cũng có, nên nhờ em tìm thông tin. Trang tìm kiếm Google cho hơn 26 ngàn kết quả cụm từ "phổ cập tin học", nhưng chỉ có duy nhất 1 kết quả cho cụm từ "các bệnh của lúa", hoặc, không kết quả nào cho "lúa giống vụ mùa", "lúa giống vụ chiêm"…
Những thông tin cậu sinh viên này đưa ra, có thể chưa thật thuyết phục và điển hình, nhưng đúng là nó gợi lên một thực tế nhiều người thừa nhận: Hiệu quả khai thác Internet và các thông tin hữu ích đối với người nông dân và học sinh sinh viên trên mạng Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế.
Hầu hết các trường Đại học hiện tại đều đã có các phòng máy, được các dự án của nhà nước hỗ trợ đường truyền Internet tốc độ cao, tuy nhiên, chưa thấy có dự án, chương trình nào triển khai hiệu quả việc cung cấp một cơ sở dữ liệu của nhiều trường ĐH có các thông tin hữu ích như kho ebook, tài liệu nghiên cứu, đồ án luận văn… đưa lên mạng cho sinh viên khai thác. Có chăng thì cũng rất nhỏ lẻ, hoặc tự phát do các nhóm sinh viên, giảng viên tâm huyết xây dựng theo mô hình diễn đàn.
Báo cáo tình hình phát triển Internet 1997 – 2007 của Bộ BCVT cũng có có nêu: "Nhìn chung các ứng dụng trên Internet hiện nay còn ít, các nội dung trên mạng rất nghèo nàn, đặc biệt là các ứng dụng và nội dung cho nông thôn, y tế, giáo dục. Mặc dù đã hoàn thành mục tiêu 100% xã có điện thoại công cộng có khả năng truy nhập Internet và trên 2500 điểm bưu điện văn hoá xã có Internet."
Sau 10 năm phát triển Internet, chúng ta thật sự vui mừng vì những con số thống kê cho thấy sự phát triển vượt bậc của cơ sở hạ tầng và số dân được tiếp cận Internet. Nhưng thực tế, hiệu quả xã hội của quá trình phát triển đó đối với người dân còn rất khiêm tốn.
Do đó, nhiều nhà lãnh đạo cao cấp về CNTT và viễn thông khẳng định: Bài toán phát triển Internet của chúng ta hiện tại là phát triển nội dung số! Phóng viên VietNamNet đã có trao đổi với một số diễn giả và đại biểu tham dự Hội nghị Quốc gia về phát triển Internet tổ chức tại Bộ BCVT sáng 16/5/2007 về chủ đề này.
Câu chuyện "công cụ" và "mục tiêu"!
Một số kết quả về Phát triển Internet đối với giáo dục và Nông thôn, vùng sâu, xa trong Báo cáo tại Hội thảo 10 năm Internet của Bộ BCVT.Giáo dục: 100% trường ĐH&CĐ đã kết nối Internet, có website. Hơn 30 trường có thư viện điện tử, trung tâm TT, trung tâm dữ liệu.50% trường PTTH đã kết nối Internet (đa phần là Dial-up).Đã xây dựng mạng Edunet và ứng dụng Internet trong giáo dục.Nông thôn: Quỹ Viễn thông công ích (11/2004) hiện bắt đầu triển khai chương trình vcung cấp dịch vụ Viễn thông công ích đến 2010.Đã có thông tin xúc tiến thương mại và CSDL cho nông dân (Agro.net.vn, rauhoaqua.vn, website của Bộ NN&PTNT…).Dự án "Thông tin khuyến nông và thị trường giai đoạn 1" đã thực hiện trên 100 huyện thuộc 20 tỉnh. |
Trao đổi với với phóng viên VietNamNet ngay sau khi kết thúc báo cáo tổng kết trong Hội nghị Quốc gia về phát triển Internet ngày 16/5/2007, bà Lê Thị Ngọc Mơ – Phó vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ BCVT) cho biết:
"Một số vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay đối với mục tiêu phát triển Internet là mạng lưới thông tin đến giới học sinh sinh viên và người nông dân ở nông thôn – vấn đề nội dung thông tin số và an ninh thông tin!".
Bà Lê Thị Ngọc Mơ cho biết thêm, điểm trọng yếu trong việc khai thác hiệu quả sự phát triển của Internet nằm ở việc xây dựng và phát triển Công nghiệp nội dung thông tin số.
Bộ trưởng Đỗ Trung Tá lấy một ví dụ cụ thể: "Vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng nội dung thông tin giống như chúng ta xây chợ! Chợ to đẹp, nhưng điều quan trọng hơn là phải có hàng hoá, phải có người buôn người bán!".
Còn theo Tiến sĩ Mai Anh – Đại biểu quốc hội, Phó chủ tịch, Tổng thư ký hội Tin học viễn thông Hà Nội, hơn 70% dân số Việt Nam là nông dân, trình độ ngoại ngữ hạn chế, cho nên dù có triển khai internet băng thông rộng tới 100% làng xã nông thôn và vùng sâu vùng xa, nhưng không có các nội dung thông tin cụ thể, thiết thực với người dân ở nông thôn, ở vùng sâu, vùng xa và dễ dàng tiếp cận cho người dân, thì hiệu quả đầu tư không thể cao.
Trước đây khi cơ sở hạ tầng đường truyền còn yếu, chúng ta tuy có nói đến công nghiệp nội dung hay khai thác thế nào cho hiệu quả, nhưng lúc đó việc tập trung phát triển cơ sở hạ tầng đường truyền, nâng cao giải thông kết nối quốc tế là rất quan trọng. Song đến nay, khi ta đã có những bước phát triển khá mạnh về hạ tầng kỹ thuật, về số người dùng thì vấn đề làm sao sử dụng Internet có hiệu quả và lành mạnh là một vấn đề cần đươc coi là trọng tâm. Nhiệm vụ phát triển một cách đồng bộ nội dung thông tin trên mạng và hạ tầng kỹ thuật là rất quan trọng. Làm sao gần 80% người dân ở nông thôn cũng được sử dụng và sử dụng có hiệu quả Internet phục vụ cho đời sống của mình chứ không chỉ để thanh niên chat hoặc chơi game online.
"Internet là một công nghệ tuyệt vời để đưa thông tin đến mỗi người dân trên hành tinh này; Thông tin hữu ích đến nay mỗi người dân là cái đích và chính vì cái đích này đạt được nhờ Internet nên Internet đã phát triển mạnh trên toàn cầu. Do vậy phát triển Internet phải lấy mục tiêu cuối cùng là kinh tế xã hội, thông tin hữu ích cho người dân và Internet là công cụ kỹ thuật. Phải hết sức tránh việc nhầm lẫn giữa công cụ Internet với mục tiêu của việc phát triển Internet để làm gì. Từ cái nhìn đúng đắn đó chúng ta mới có phương pháp thực hiện và đầu tư đúng hướng" – TS. Mai Anh nhiều lần nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn VietNamNet.
Xây dựng "thị trường nội dung thông tin số"
Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: Các dịch vụ viễn thông và Internet trong nước sẽ phát triển theo hướng hoà quyện vào nhau, người dân có thể có rất nhiều cách tiếp cận nguồn thông tin mà họ cần trên mạng… (ảnh: Thế Phong). |
Đề xuất một hướng ra cho việc thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp nội dung thông tin số, TS. Mai Anh cho rằng, cần có sự kết hợp đồng bộ và tiến hành các dự án lớn để xây dựng các cơ sở hạ tầng thông tin thiết thực mà ông nhấn mạnh là: Thông tin của người Việt, dành cho người Việt.
Thêm vào đó, cũng có ý kiến cho rằng cơ quan quản lý nên có những bước định hướng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhảy vào cung cấp dịch vụ nội dung thông tin.
"Hiện tại, cái tồn tại lớn nhất của việc phát triển Internet ở Việt Nam theo tôi là các mục tiêu xã hội. Cái "được" lớn nhất trong tồn tại đó là việc trao đổi thông tin, khá phong phú, nhưng lại tản mát, không thực tế. Cần phải chia nhóm đối tượng để cung cấp nội dung thông tin cho thiết thực, tạo điều kiện cho người dân chủ động lấy những thông tin hữu hiệu đối với họ thì mới thiết thực." – Ông Vũ Hoàng Liên – giám đốc VDC nói.
Theo ông Liên, khối doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng đáp ứng điều này và sẽ tạo ra một thị trường cung cấp nội dung thông tin số. Ông đề xuất các doanh nghiệp nhà nước nên đi tiên phong để kích cầu và xây dựng thị trường, sau đó giới doanh nghiệp tư nhân một khi có thị trường chắc chắn sẽ nhạy bén tham gia.
Điều này rõ ràng có điểm tương đồng với khẳng định chắc nịch của Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá: "Chúng ta sẽ dần dần quản lý viễn thông và Internet không phải bằng số lượng thuê bao nữa, mà bằng lưu lượng của đường truyền. Nghĩa là lượng nội dung chạy trên đó sẽ quyết định hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp, của các nhà khai thác."
Tiến sĩ Mai Anh đưa thêm ý kiến trao đổi rằng, doanh nghiệp thì trư ớc hết phải tính đến lợi nhuận, tất nhiên cũng có những đơn vị có văn hoá mảng kinh doanh hướng đến các mục tiêu cộng đồng, "Nhưng tốt nhất, những mảng nào thuộc về cung cấp nội dung thông tin cộng đồng thì phải do nhà nước bắt tay vào thực hiện!".
Rất may, theo những thông tin mà Bộ BCVT cung cấp, vấn đề này hiện đang rất được quan tâm, với một số dự án đã và đang chuẩn bị được phê duyệt như "Đề án phát triển mạng và dịch vụ giáo dục đào tạo ứng dụng trên Internet giai đoạn 2007 – 2010"; Chương trình phát triển Công nghiệp nội dung thông tin số đến 2010 (đã được phê duyệt), Dự án máy tính giá rẻ cho nông thôn trường học (Bộ BCVT Chủ trì, hiện đang xây dựng). Điểm quan trọng nhất là Bộ nhấn mạnh: "Phải chú trọng lồng ghép với các chương trình, dự án của các bộ ngành khác."
GS. TSKH Đỗ Trung Tá, Bộ trưởng Bộ BCVT bày tỏ sự quan tâm nhiều đến cách thức đưa thông tin Internet tiếp cận người dân. Ông đưa ra một số thông tin cụ thể rằng Bộ đang phối hợp với các đơn vị bên ngoài nghiên cứu một hệ thống online dịch 5 thứ tiếng (đặc biệt ưu tiên Anh – Việt và Việt – Anh) nhằm đồng nhất về mặt ngôn ngữ nội dung thông tin trên web cho mọi đối tượng trong nước dễ dàng khai thác.
"Đặc biệt, cách đây 5 năm, tôi chính là người đã hướng dẫn thành công cho một luận văn tiến sĩ có đề tài "Đọc văn bản thành tiếng nói". Nếu ứng dụng vào thực tế, chắc chắn sẽ là một cách tiếp cận nội dung thông tin số hết sức thuận tiện cho mọi đối tượng… " – Bộ trưởng Đỗ Trung Tá chia sẻ.
Theo VietNamNet