"Ứng dụng CNTT vào công tác quản lý và khai thác tài liệu ở thư viện" là tên của một cuộc hội thảo được tổ chức ngày 7/7/2006 ở Thư viện tỉnh Phú Yên với mục đích góp phần làm sáng tỏ những thách thức tổ chức trong quản lý – lưu trữ dữ liệu và khai thác dữ liệu trong quá trình ứng dụng CNTT trong thư viện. Hội thảo có sự góp mặt của nhiều chuyên gia về CNTT trong thư viện.

Phát biểu đề dẫn cuộc hội thảo, ông Dương Thái Nhơn, GĐ Thư viện Tỉnh Phú Yên nêu rõ một thách thức hiện nay trong ứng dụng CNTT trong thư viện: "Tổ chức quản lý và khai thác dữ liệu Thư viện điện tử là một vấn đề cấp bách trong môi trường thông tin hiện nay. Có lẽ sự cấp bách đó ai cũng rõ, nhưng mổ xẻ từng chi tiết trong cụm từ ‘quản lý thông tin’ và cụm từ ‘khai thác thông tin’ thì chúng ta chưa hình dung đầy đủ diện mạo của nó. Khi nói đến ứng dụng CNTT thường thì người ta nghĩ ngay đến máy tính cấu hình mạnh; có trang web; có nối mạng; có địa chỉ email; có đường truyền ADSL tốc độ truy cập cao; có phần mềm hiện đại đủ mạnh. Còn thách thức tổ chức quản lý – lưu trữ dữ liệu và khai thác dữ liệu thì chúng ta mới chỉ thoáng qua, còn đặt vấn đề một cách đầy đủ như: cách thu thập thông tin; các chuẩn về đơn vị tổ chức lưu trữ; cấu trúc hệ thống thư tịch, hệ thống tập tin, vv… thì chúng ta còn chưa quan tâm lắm. Có thể nói nội dung dữ liệu là cốt lõi của thông tin, còn phần mềm, máy tính, đường truyền … chỉ là phương tiện xử lý và truyền tải thông tin. Hội thảo được tổ chức với mục đích đóng góp một phần làm sáng tỏ thêm những vấn đề quan trọng nêu trên”.

Nói cách khác, lâu nay khi nghĩ tới ứng dụng CNTT người ta thường chỉ chú ý đến vấn đề công nghệ (máy tính cấu hình cao, đường truyền mạnh, dung lượng lưu trữ lớn, phần mềm đồ sộ,…)mà ít để ý đến một triết lý được thừa nhận rộng rãi, đó là: "Nội dung là yếu tố then chốt trong bất cứ hệ thống thông tin nào" (Content is king in every information system). Một hệ thống thông tin dù có hiện đại tới đâu mà không có thông tin, hoặc thông tin không được tổ chức, quản lý tốt để có thể khai thác tối đa thì hệ thống đó cũng chỉ là "rác" mà thôi. Nhiều web site thư viện của Việt Nam cũng đã được dựng lên với một tư duy như vậy để rồi "sống" dật dờ vì không ai tính tới việc tổ chức con người và thông tin để mà "nuôi" nó.

 
Dưới đây là các tham luận đã được trình bày tại cuộc hội thảo:
  1. Vấn đề tổ chức và họat động thư viện điện tử – DƯƠNG THÁI NHƠN, GĐ Thư viện Tỉnh Phú Yên.

  2. Ứng dụng CNTT trong quản lý và khai thác tài liệu – KIỀU VĂN HỐT, PGĐ Thư viện Quốc gia Việt Nam

  3. Công nghệ số hóa và công tác số hóa tại Thư viện Quốc gia Việt Nam – DOÃN ANH ĐỨC, Phó Phòng Tin học Thư viện Quốc gia Việt Nam

  4. Thư viện số với hệ thống nguồn mở – ThS. NGUYỄN MINH HIỆP, GĐ Thư viện Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM.

  5. Liên kết, chia sẻ, và hội nhập các nguồn tài nguyên thông tin giữa các đon vị có tiềm lực thông tin – LÊ TIẾN DĨNH, Sở Bưu chính viễn thông Phú Yên.

  6. Bàn luận về xây dựng thư viện mở – LÊ THANH PHƯƠNG, Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên.

  7. Những vấn đề quan tâm khi tổ chức liên kết chia sẻ và hội nhập các nguồn tài nguyên thông tin giữa các đơn vị có tiềm lực thông tin – LÊ MAI PHƯỢNG, Công ty cổ phần tin học Lạc Việt.

  8. Xây dựng một xã hội thông tin với thư viện điện tử làm hạt nhân – TS. NGUYỄN TUẤN HOA, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ viễn thông.

  9. Greenstone – Giải pháp xây dựng thư viện số – ĐOÀN ÁI THAO, Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên.

  10. Khai thác và tổ chức dữ liệu – Xây dựng thư viện số – DƯƠNG TÍCH ĐẠT, Phòng Công tác kỹ thuật Thư viện Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM.

Theo Mạng thư viện Việt Nam