Công ty TED hân hạnh tài trợ và tham dự hội thảo này.
Ảnh: Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh phát biểu tại hội thảo. |
Ngày 24/11/2011 tại trụ sở Bộ KH&CN – Số 113, Trần Duy Hưng, Hà Nội, đã diễn ra hội thảo khoa học toàn ngành Thông tin – thư viện KH&CN do Cục Thông tin KH&CN Quốc gia tổ chức. Hội thảo lần này có tiêu đề “Thông tin, thống kê KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2015”. Tham dự hội thảo có đông đảo các cán bộ quản lý hoạt động KH&CN, cán bộ lãnh đạo các cơ quan thông tin – thư viện thuộc các tỉnh thành và các ngành, các cấp. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đã đến tham dự và phát biểu khai mạc hội thảo.
|
Trong quá trình 50 năm phát triển của ngành thông tin KH&CN đã có 5 hội nghị ở phạm vi toàn quốc được tổ chức. Hội thảo Khoa học Ngành lần thứ VI này có đặc điểm là đề cập đồng thời hoạt động thông tin KH&CN và hoạt động thống kê KH&CN ở Việt Nam. Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích đánh giá hiện trạng hoạt động thông tin, thống kê KH&CN ở Việt Nam; đưa ra định hướng chiến lược đến năm 2020 và trọng tâm công tác thông tin; thống kế KH&CN giai đoạn 2011-2015. Hội thảo khoa học ngành thông tin KH&CN lần thứ VI này được tổ chức cũng nhằm góp một phần vào việc tìm ra các giải pháp phối hợp toàn ngành để triển khai các văn bản, nghị định.
Tại Hội thảo, TS Tạ Bá Hưng, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, đã trình bày báo cáo về công tác thông tin, thống kê KH&CN: Hiện trạng và định hướng chiến lược đến năm 2020 và trọng tâm công tác giai đoạn 2011-2015. Theo đó, Mạng lưới thông tin KH&CN đã được triển khai rộng khắp với hơn 500 cơ quan thông tin KH&CN, thuộc các Bộ, ngành, các tổng công ty và các địa phương. Nguồn thông tin KH&CN, bao gồm cả tài liệu sáng chế và tiêu chuẩn, không ngừng được bổ sung, cập nhật. Việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong hoạt động thông tin – thư viện được đẩy mạnh. Hàng loạt các cơ sở dữ liệu và các mạng thông tin KH&CN đa ngành như VISTA, CESTI hoặc các mạng chuyên ngành về nông nghiệp, y tế, công thương được đầu tư và phát huy hiệu quả. Các sản phẩm và dịch vụ thông tin KH&CN từng bước được đa dạng hóa và đáp ứng ngày càng hiệu quả nhu cầu thông tin phục vụ lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, kinh doanh của xã hội.
Các hoạt động thông tin, thống kê KH&CN, thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ, cung cấp thông tin phục vụ lãnh đạo, quản lý (phục vụ Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) thông tin KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn/miền núi, phát triển và chia sẻ nguồn tin số hóa về KH&CN, thư viện điện tử và mạng thông tin KH&CN, hoạt động hợp tác quốc tế, phát triển tiềm lực thông tin KH&CN của đất nước thời gian qua đã thu được nhiều kết quả nổi bật.
Nhiều văn bản pháp quy quan trọng đã được xây dựng tạo cơ sở pháp lý phục vụ quản lý nhà nước về thông tin, thư viện, thống kê KH&CN: Nghị định số 159/2004/NĐ-CP ngày 31/08/2004 của Chính phủ về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ, Nghị định số 30/2006/NĐ-CP ngày 29/03/2006 của Chính phủ về thống kê KH&CN, Quyết định số 809/QĐ-BKHCN ngày 25/03/2011 về Chương trình hành động của Bộ KH&CN triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 “Đẩy mạnh phát triển Mạng thông tin KH&CN Việt Nam (VISTA), mở rộng kết nối Mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam (VinaRen) tới 100% các viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm trọng điểm, các trường đại học, các bệnh viện lớn, các trung tâm thông tin – thư viện quan trọng”.
(Ảnh: TS Tạ Bá Hưng, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, trình bày báo cáo tại hội thảo)
Tuy nhiên, công tác thông tin, thống kê còn tồn tại một số bất cập như: Nguồn thông tin KH&CN còn hạn chế, tản mạn, chưa được khai thác một cách rộng rãi và hiệu quả, nhất là nguồn tin KH&CN nội sinh; Hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu thốn, nhiều nơi còn lạc hậu; Sự liên kết, phối hợp giữa các tổ chức thông tin KH&CN trong mạng lưới còn lỏng lẻo; Việc ứng dụng CNTT và các thành tựu KH&CN tiên tiến trong hoạt động thông tin KH&CN còn nhiều bất cập; Đội ngũ cán bộ thông tin KH&CN và cộng tác viên mỏng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, còn hạn chế, một số chưa thực sự gắn bó với nghề nghiệp; Văn hóa sử dụng thông tin KH&CN trong giới nghiên cứu và đào tạo cũng như trong xã hội còn thấp so với nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Trong đoạn 2011 – 2015 và đến 2020, công tác thông tin, thư viện thống kê KH&CN sẽ tập trung vào các mục tiêu chủ yếu như: Đáp ứng nhu cầu thông tin thực hiện thắng lợi nhiệm vụ KH&CN, phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2015; Phát triển tin lực KH&CN của đất nước nhằm đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu của xã hội trên cơ sở bổ sung và đẩy mạnh khai thác các nguồn tin trọng yếu của thế giới và trong nước; Phát triển dịch vụ phân tích thông tin có giá trị gia tăng cao đáp ứng nhu cầu lãnh đạo, quản lý trong hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển, chiến lược kinh doanh, mở rộng thị trường,… Triển khai và phát triển công tác thống kê KH&CN; Đẩy mạnh dịch vụ thông tin giao dịch công nghệ góp phần phát triển thị trường công nghệ Việt Nam; Nâng cấp, phát huy hiệu quả các mạng thông tin ở các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt Mạng thông tin KH&CN Việt Nam (VISTA), mở rộng kết nối Mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam (VinaRen) tới các viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm trọng điểm, các trường đại học, các bệnh viện lớn, các trung tâm thông tin-thư viện quan trọng; Đẩy mạnh công tác thông tin KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương, nông thôn, miền núi, phát triển nông thôn mới; Đẩy mạnh quản lý nhà nước về thông tin, thư viện và thống kê KH&CN.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã nghe nhiều báo cáo tham luận của các cơ quan thông tin thuộc các bộ và địa phương và tập trung thảo luận về các nội dung liên quan nhằm nâng cao hơn nữa hoạt động thông tin, thống kê KH&CN, phát triển thị trường công nghệ, Mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam (VinaRen), phát triển nguồn tin, thư viện điện tử, hoạt động thông tin KH&CN ở các Bộ, ngành, địa phương.
Nguồn: http://www.vista.vn