Tháng 12.2004, Google công bố một dự án mang tên Google Book, với tham vọng vươn tới thư viện của các trường đại học hàng đầu để scan và số hoá tất cả những tri thức chứa đựng trong những cuốn sách ở đó và đưa lên mạng. Dự án này hứa hẹn sẽ làm cho mọi cuốn sách in được truy cập như là một website bình thường…

 

Với Google Book, bạn sẽ không phải bỏ hàng giờ để tìm cho ra một cuốn sách mình cần

Đầu năm 2005, Google bắt đầu scan sách ở các thư viện, và đầu tháng 11.2005 công bố bản bêta của công cụ tìm kiếm sách ở books.google.com. Dự án tham vọng đến nỗi muốn đưa lên cả thư viện đã mất ở Alexandria và thư viện Babel của Jorge Luis Borges. Khi nghe về dự án này, một thủ thư đã nói với phóng viên New York Times: “Thế giới của chúng ta sắp thay đổi rất rất lớn”.

Hiện tại, thư viện của Google chứa hầu hết các tác phẩm xuất bản trước năm 1923, vì bản quyền đã hết hạn và nội dung sách trở thành miễn phí cho mọi người sử dụng bất kể với mục đích gì. Bạn sẽ thấy sách thuộc nhiều thể loại: cuốn Daisy Miller của Henry James xuất bản lần đầu, một cuốn sách lịch sử Pháp xuất bản năm 1702 hay sách dạy làm vườn xuất bản năm 1785.

Bộ sưu tập của Google cũng bao gồm một số lượng lớn sách xuất bản sau năm 1923 mà các nhà xuất bản đã cho phép đưa vào thư viện số. Nhưng vì những cuốn sách này vẫn đang còn hạn bản quyền nên Google hạn chế chức năng của chúng, chỉ cho đọc một số trang nhằm giảm nguy cơ ảnh hưởng xấu đến doanh số bán sách.

Không phải bỏ hàng giờ tra cứu ở thư viện để tìm một cuốn sách, bạn có thể tìm trên thư viện của Google bằng tên tác giả, chủ đề hoặc chỉ cần gõ một cụm từ hoặc một trích đoạn. Google sẽ đưa ra hình ảnh của những trang sách trong mỗi cuốn sách mà cụm từ đó xuất hiện.

Tương lai bấp bênh

Vấn đề nằm ở luật bản quyền: liệu Google có đủ quyền hợp pháp để sao chép các cuốn sách thư viện và biến chúng trở thành trực tuyến? Những tập đoàn thương mại của các tác giả và nhà xuất bản (NXB) nói “Không!”. Authors Guild, một hiệp hội chuyên nghiệp của hơn 8.000 tác giả đã lập hồ sơ yêu cầu Google dừng dự án. Đại diện cho hàng loạt nhà xuất bản lớn, Hiệp hội các NXB Mỹ cũng đâm đơn kiện. Cả hai hiệp hội này đều đòi Google phải trả tiền.

Nhưng Google khăng khăng rằng dự án của họ là hợp pháp, vì hãng chỉ cung cấp những đoạn trích – một hoặc hai câu – của những tác phẩm có bản quyền mà các NXB không cho họ quyền scan. Google biện luận rằng kế hoạch của hãng sẽ thúc đẩy chứ không làm giảm doanh số bán sách, và sẽ là mối lợi cho ngành sách. Nhưng yêu cầu đưa sách lên web của Google hiện đang có những dấu hiệu chắc chắn sẽ tạo nên một trận chiến lớn ở toà án, và Google – dù có tiềm lực tài chính mạnh và đội ngũ luật sư được trả công cao – không chắc giành được phần thắng.

“Một trong những vấn đề lớn của sự xung đột này là nó chỉ ra sự vô lý của luật bản quyền Mỹ”, Siva Vaidhyanathan, một chuyên gia về bản quyền ở ĐH New York giải thích. Vaidhyanathan tin rằng những gì Google muốn làm có thể là bất hợp pháp dưới những cơ chế của luật bản quyền hiện nay. Đồng thời, ông cũng lưu ý rằng Google không thể tạo ra một hệ thống mà phụ thuộc vào sự cho phép của các NXB để số hoá những cuốn sách của họ, vì thực ra không ai biết rõ ai là người sở hữu bản quyền của tất cả những cuốn sách trong thư viện. Do đó, Google bị tắc.

Trận chiến với các NXB

Cuộc chiến chính giữa Google và các NXB liên quan tới những cuốn sách vẫn còn hạn bản quyền. Khi Google scan sách ở một thư viện, có một cuốn xuất bản sau năm 1923 và các NXB khăng khăng rằng phải bỏ nó sang một bên và xin phép trước đã. Nhưng Google nói rằng mình có quyền scan và đưa chúng lên mạng, đồng thời khẳng định sẽ sớm đưa những cuốn sách như vậy vào thư viện của mình.

Mặc dù vậy, điều này có nghĩa là bạn đang có một thư viện bị cắt xén. Hiện tại, không có tìm kiếm nào ở Google sẽ trả lại bất kỳ một cụm từ nào có chứa những cái tít phổ biến như Lolita, The great Gatsby, The Best and the Brightest, The Da Vinci code… hay bất cứ tác phẩm nào của John Updike, Philip Roth, Richard Feynman, Woody Allen…

Nhưng, hãy thử hình dung một tình huống như thế này: ở đâu đó trong một thư viện đại học, có bài viết của một tác giả mà bạn chưa từng nghe tên, về một chủ đề mà bạn chưa từng biết, trong một lĩnh vực không còn được in tái bản, và được xuất bản bởi một NXB không còn kinh doanh nữa. Nhưng thực tế bài viết này lại đúng là cái bạn đang cần, đang muốn tìm như cách mà bạn tìm thấy các trang web mỗi ngày. Thật lý tưởng là Google đã nhận thấy trước điều đó. Nhưng vì nó vẫn chưa hết bản quyền, Google sẽ chỉ cho bạn xem một vài câu xung quanh cụm từ tìm kiếm chứ không phải toàn bộ cuốn sách. Nhưng nếu không có hệ thống của Google, bạn sẽ không bao giờ biết đến cuốn sách này. Rõ ràng là, việc này tốt cho cả Google, cho người sử dụng internet, và đặc biệt cho các tác giả.

Lợi ích của việc làm cho hàng triệu cuốn sách trở nên truy cập được với mọi người trên toàn thế giới có thể là đóng góp quan trọng nhất trong việc truyền bá tri thức nhân loại mà các thư viện muốn làm. Đó là một cơ hội đáng kinh ngạc để làm hồi sinh quá khứ văn hoá của chúng ta, và làm cho nó có thể tiếp cận được… Nhưng nếu luật pháp yêu cầu Google, hay bất kỳ ai, phải xin phép trước khi truyền bá tri thức như thế này, thì Google Book không thể tồn tại. Và nếu Google Book không thể tồn tại, có thể đã đến lúc phải xem xét lại luật pháp.

Lawrence Lessig, giáo sư luật ở Đại học Stanford

Nhưng nhiều NXB cho rằng điều này làm tổn hại đến giá trị những cuốn sách của họ. Thực tế lại khác. Google giúp bạn tìm thấy sách, và nếu bạn muốn đọc thì phải mua sách. Những cuốn sách lỗi thời, sách không còn được in và khó tìm sẽ được hưởng lợi từ một hệ thống như vậy. Trước đây, Trung tâm thư viện máy tính trực tuyến (Online Computer Library Center) – một tập đoàn nghiên cứu thư viện phi lợi nhuận – đã đếm và đưa vào danh mục các cuốn sách mà Google dự tính scan. Kết quả trong 5 thư viện mà Google thoả thuận scan sách, có khoảng 80% số sách được xuất bản sau năm 1923 và vẫn còn hạn bản quyền, nhưng chỉ một số rất ít vẫn còn đang in để bán.

Tim O'Reilly, cha đẻ của khái niệm Web 2.0 đã chỉ ra rằng trong năm 2004, chỉ 1,2 triệu tên sách được bán ở Mỹ. Điều này có nghĩa là trong khi một số lượng đáng kể sách thư viện được bảo vệ bởi luật bản quyền, thì chúng cũng không còn được in nữa, 70% hoặc hơn. Những cuốn sách này đại diện cho vùng “tranh tối tranh sáng” của thế giới xuất bản. Một số người sở hữu chúng, nhưng vì họ nhận thấy chúng không còn giá trị thương mại nên các NXB không có động lực để quảng bá và tiếp thị chúng, chứ đừng nói là bỏ tiền ra để sao chụp và đưa chúng lên mạng cho mọi người tìm thấy khi cần.

Thực tế trong nhiều trường hợp, các NXB và những người giữ bản quyền sách không được biết tới. Không có đăng ký quốc gia cho những người giữ bản quyền sách ở Mỹ, trong khi đối với các bằng sáng chế thì có. Bất kỳ cuốn sách nào được xuất bản cũng đều tự động được cấp bản quyền, và nếu một NXB sách ngừng hoạt động kinh doanh, hoặc một tác giả qua đời, thì bản quyền của tác phẩm có thể bị chôn vùi trong các bản hợp đồng xuất bản có khi đã thành tro bụi từ lâu. Ngay cả các NXB cũng không biết họ đang sở hữu cái gì.

O'Reilly cũng cho biết, chỉ có 2% số sách được bán trong năm 2004 là được hơn 5.000 bản, số còn lại héo hon trong quên lãng, một mối đe doạ đối với tác giả còn lớn hơn chuyện bị vi phạm bản quyền hay bị in lậu. Google hứa hẹn mang lại một sự thay đổi. Nó giúp những cuốn sách không bán chạy có cơ hội được tiếp cận tất cả mọi người. Bằng cách đưa một khối lượng lớn các tác phẩm in lên mạng, Google cung cấp một cách thức quảng bá các cuốn sách mà NXB đã bỏ qua, và giúp người đọc tìm thấy và mua chúng.

Thay đổi cả luật pháp?

Các học sinh của trường trung học Fruitvale ở Bakersfield, California (Mỹ) chờ đợi giây phút lật đổ 1.066 cuốn sách bằng hiệu ứng domino để lập kỷ lục Guinness vào ngày 27.3 vừa qua. Dự án Google Book cũng sẽ làm đảo lộn thế giới sách bằng những tác động dây chuyền như thế

Nhưng nếu luật bản quyền ủng hộ cho mục đích lớn lao của Google, có phải đã đến lúc chúng ta nghĩ đến việc sửa đổi luật? Đó là câu hỏi nổi bật nhất nảy sinh trong cuộc chiến chống lại nỗ lực xây dựng thư viện số của Google. Hệ thống mới của Google đương nhiên là tốt cho những cuốn sách cũ, nhưng nó cũng tốt cho chính Google trong việc củng cố vị thế là cỗ máy tìm kiếm bá chủ thế giới.

Không ai biết, và Google cũng không công bố đã kiếm được bao nhiêu tiền từ dự án thư viện này. Tuy nhiên, Eric Schmidt, giám đốc điều hành của Google cho biết sẽ không đặt quảng cáo trên các trang tìm kiếm sách mà hãng scan từ thư viện – mặc dù sẽ đặt quảng cáo trên những trang tìm sách mà các NXB đã cho họ quyền đưa lên mạng, và Google sẽ gửi cho các NXB “phần lớn” doanh thu của các quảng cáo như vậy. Google sẽ đưa thêm vào một đường link tham khảo (referral link) để cho phép mọi người mua những cuốn sách họ tìm thấy qua thư viện trực tuyến này – một đường link đề “Buy this book” tới một vài nhà sách trực tuyến lớn, nhưng công ty sẽ “không lấy một xu từ những link tham khảo này”.

Thay vì kiếm tiền từ những tìm kiếm sách đơn lẻ, thư viện của Google sẽ làm gia tăng doanh số của hãng bằng cách tăng giá trị của công cụ tìm kiếm. Dù hiện là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất, Google đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Yahoo, Microsoft, Amazon và nhiều hãng khác. Amazon đã cung cấp một tính năng tìm kiếm bên trong rất nhiều cuốn sách có trong kho sách trực tuyến của họ, và cũng công bố một kế hoạch cho phép người dùng mua một số trang sách nhất định. Trong khi đó, Microsoft và Yahoo cũng vừa gia nhập Liên minh nội dung mở (Open Content Alliance), một tổ chức phi lợi nhuận đang có kế hoạch số hoá các cuốn sách sau khi đã xin phép NXB.

Nhưng các NXB và các tác giả lại cho rằng họ cần được trả tiền từ dự án của Google. “Nếu có một giá trị mới cho những cuốn sách được tạo ra trên internet, tác giả cần được cung cấp những động lực mới để tạo ra những tác phẩm mới cho nó”, Paul Aiken, giám đốc điều hành của Authors Guild (Hiệp hội Tác giả Mỹ) cho biết.

Aiken so sánh kế hoạch của Google trong việc sử dụng những cuốn sách với cách mà Hollywood sử dụng những cuốn tiểu thuyết để làm cốt truyện cho các bộ phim. “Có nhiều người mua sách hơn sau khi họ xem phim, và Hollywood vẫn trả tiền cho các NXB để có quyền sử dụng những cuốn tiểu thuyết. Vậy thì Google cũng phải trả tiền cho những cuốn sách họ muốn số hoá”, Aiken giải thích. Tuy nhiên, ông cũng gợi ý về ý tưởng mà các đài phát thanh trả tiền cho các nhạc sĩ. Google có thể trả một phí cấp phép hàng năm cho NXB, và số tiền sẽ được phân phối tới các NXB và các tác giả tuỳ theo tần suất mà các cuốn sách được xem trên công cụ tìm kiếm.

Dự án Google Book có tham vọng vươn tới thư viện của các trường đại học hàng đầu để scan và số hoá tất cả những tri thức chứa đựng trong những cuốn sách ở đó và đưa lên mạng

Các NXB đều rất tán thành ý kiến của Aiken. Họ cho rằng Google đang ngồi trên một mỏ vàng, còn các NXB và tác giả thì không. Những người ủng hộ Google cho rằng “lợi ích của việc làm cho hàng triệu cuốn sách trở nên truy cập được với mọi người trên toàn thế giới có thể là đóng góp quan trọng nhất trong việc truyền bá tri thức nhân loại mà các thư viện muốn làm”. Lawrence Lessig, một giáo sư luật ở Đại học Stanford nói: “Đó là một cơ hội đáng kinh ngạc để làm hồi sinh quá khứ văn hoá của chúng ta, và làm cho nó có thể tiếp cận được. Chắc chắn Google sẽ được hưởng lợi từ đó. Điều đó tốt cho họ. Nhưng nếu luật pháp yêu cầu Google, hay bất kỳ ai, phải xin phép trước khi truyền bá tri thức như thế này, thì Google Book không thể tồn tại. Và nếu Google Book không thể tồn tại, có thể đã đến lúc phải xem xét lại luật pháp”.

 

 

 

 

 

 

 

Ngày sách và tác quyền thế giới (World Book and Copyright Day) – gọi tắt là Ngày sách thế giới là sự kiện hàng năm do UNESCO tổ chức vào ngày 23.4 để quảng bá việc đọc sách, xuất bản và bảo vệ sở hữu trí tuệ qua hình thức quyền tác giả. 23.4 cũng là ngày lễ Thánh George ở phương Tây và cũng là ngày mất của văn hào Miguel de Cervantes (1547-1616), tác giả Don Quixote. Những người bán sách ở Catalonia nhân ngày lễ Thánh George 1923 đã tôn vinh Miguel de Cervantes bằng cách bán sách tặng kèm hoa hồng.

Ngày 23.4 cũng là ngày sinh hoặc mất của nhiều nhà văn lớn như Maurice Druon (Pháp, sinh 1918), K. Laxness (Iceland, 1902-1998), Vladimir Nabokov (Nga, 1899-1977), Josep Pla (Catalonia, 1897-1981) và Manuel Mejía Vallejo (Colombia, 1923-1998).

Vì lẽ đó, ngày này rất thích hợp cho mục tiêu của UNESCO muốn khơi gợi tình yêu đọc sách trong giới trẻ và tôn vinh đóng góp không có gì thay thế được của những người đã thúc đẩy sự phát triển văn hoá của nhân loại bằng ngòi bút. Nhưng thế giới đã đổi thay. Sách vẫn giữ nguyên giá trị dù đọc bằng hình thức điện tử. Nhưng công nghệ số đang thách thức những nguyên tắc pháp lý của luật tác quyền.

 

Theo Sài Gòn tiếp thị