Sáu xu hướng công nghệ trong thư viện đại học và nghiên cứu được mô tả dưới đây được lựa chọn bởi một nhóm các chuyên gia đầu ngành trong Dự án Dự báo Công nghệ Thư viện NMC Horizon (New Media Consortium’s Horizon Library Project) |
Những dự báo này đã được công bố trong bản tin “2014 Library Edition” của dự án. Các đồng thuận về dự báo sự chấp nhận công nghệ trong thư viện đại học và nghiên cứu đã trải qua nhiều lần bỏ phiếu theo phương pháp thảo luận Delphi (một phương pháp dự báo công nghệ thông qua nhiều bảng câu hỏi và thảo luận chuyên gia trong ngành), mỗi vòng bỏ phiếu được đi theo nhiều vòng thảo luận, nghiên cứu theo hình thức thảo luận tại bàn và sàng lọc các xu hướng và chủ đề phù hợp đối với ứng dụng công nghệ trong thư viện. Những xu hướng mà nhóm chuyên gia đạt được đồng thuận về khả năng thúc đẩy kế hoạch ứng dụng công nghệ và ra quyết định trong vòng năm năm tới được chia làm ba nhóm xu hướng được chấp nhận và ứng dụng trong các thư viện đại học và nghiên cứu trên toàn cầu như sau:
(1) Nhóm xu hướng nhanh: Thúc đẩy sự chấp nhận công nghệ trong thư viện đại học và nghiên cứu trong vòng một hay hai năm tới:
– Xu hướng 1: tập trung ngày càng tăng vào quản lý dữ liệu nghiên cứu cho các ấn phẩm.
– Xu hướng 2: ưu tiên dịch vụ nội dung sẵn có và chuyển giao trên các thiết bị di động.
(2) Nhóm xu hướng trung hạn: Thúc đẩy sự chấp nhận công nghệ trong thư viện đại học và nghiên cứu trong vòng ba đến năm năm tới:
– Xu hướng 3: gia tăng mạnh các biểu ghi dữ liệu nghiên cứu
– Xu hướng 4: tăng khả năng tiếp cận nội dung ngay từ các hoạt động nghiên cứu.
(3) Nhóm xu hướng dài hạn: Thúc đẩy sự chấp nhận công nghệ trong thư viện đại học và nghiên cứu trong vòng năm năm tới hoặc lâu hơn:
– Xu hướng 5: có nhiều phát triển liên tục trong công nghệ, tiêu chuẩn và hạ tầng.
– Xu hướng 6: nổi lên nhiều hình mẫu nghiên cứu đa ngành mới.
Nhóm xu hướng nhanh được nhận thấy sẽ có tác động trong vòng một đến hai năm nữa. Hai nhóm xu hướng diễn ra chậm hơn được nhận thấy sẽ tác động trong vòng ba cho tới năm năm nữa hoặc lâu hơn. Sơ đồ bên dưới đây mô tả những nhóm xu hướng này. Tất các xu hướng liệt kê ra ở đây đều được xem xét và cho thấy sự liên quan và tác động của chúng đến thư viện đại học và nghiên cứu trên toàn cầu.
MÔ HÌNH XU HƯỚNG CHÍNH
Mô hình dự án dự báo xu hướng công nghệ thư viện NMC Horizon đã thiết lập lên mô hình ba trụ cột lớn để tập trung vào thảo luận mỗi xu hướng và thách thức: chính sách, sự lãnh đạo, và thực hành. Trong bối cảnh này, chính sách muốn ám chỉ tới những luật trong ngành, quy định, quy tắc và hướng dẫn điều chỉnh hoạt động của thư viện; sự lãnh đạo là tầm nhìn của chuyên gia về tương lai của hạ tầng công nghệ và dịch vụ thư viện, dựa trên nghiên cứu và xem xét chuyên sâu; và thực hành là khi mà các ý tưởng và công nghệ mới được triển khai trong thư viện cũng như những kết cấu liên quan.
Chính sách:Tất cả xu hướng được nhận ra điều liên quan đến chính sách, song có hai xu hướng được cho là sẽ tác động mạnh mẽ tới quyết định chính sách của thư viện trong vòng năm năm nữa. Tất cả chuyên gia đều nhất trí rằng quản lý dữ liệu nghiên cứu với các ấn phẩm xuất bản sẽ nhanh chóng trở lên quan trọng đối với thư viện. Những tổ chức quản lý nghiêu cứu lớn như Uỷ ban Khoa học Quốc gia của Mỹ, NSF (National Science Foundation) giờ đây đang chủ trương bắt buộc tất cả các thư viện muốn đệ đơn xin ngân sách cần đưa vào chiến lược quản lý dữ liệu nghiên cứu rõ ràng trong các đề xuất của họ. Sự phổ biến của xu hướng này đã khiến Hiệp hội các Thư viện Nghiên cứu Mỹ (ARL) phát triển một hướng dẫn để giúp tiêu chuẩn hoá quy trình này.
Trong khi các chuyên gia của dự án cũng đều tin rằng xu hướng tiến tới tăng khả năng tiếp cận nội dung nghiên cứu sẽ có tác động mạnh nhất trong thư viện đại học và nghiên cứu trong vòng ba tới năm năm nữa, thì các nhà làm chính sách đang có những hành động quan trọng để tạo dựng những khuôn khổ chính sách hiệu quả hơn. Ví dụ, Đại học Pennsylvania (University of Pennsylvania) đã chấp nhận cách tiếp cận chính sách truy cập mở theo chiến lược “Penn Compact 2020” và thảo ra những hướng dẫn giúp tài nguyên thông tin của trường có thể đến tay nhiều người dùng tin hơn ngoài khu giảng đường. Sáng kiến đang được quản lý bởi nhóm thư viện đại học Penn.
Lãnh đạo: Mặc dầu có nhiều tác động đến vai trò lãnh đạo được nêu lên đối với tất cả xu hướng đã nhận thấy, có hai xu hướng nổi lên như cơ hội duy nhất đối với những tầm nhìn sáng tạo.
– Thứ nhất, xu hướng gia tăng của biểu ghi nghiên cứu đang khích lệ các thư viện chia sẻ thông tin theo định dạng mới, định dạng giàu thông tin hơn. Các tổ chức thư viện dẫn đầu đang chủ trương thảo luận tích cực xung quanh chủ đề này. Hiệp hội Thư viện Nghiên cứu Châu Âu (The Association of European Research Libraries) gần đây đã chủ trì một hội thảo xem xét tương lai của việc học tập dựa trên nghiên cứu được tiến hành bởi OCLC (Online Computer Library Center). Bài tham luận chính của hội thảo này đã dự báo sự chuyển dịch từ hệ thống xuất bản tạp chí truyền thống sang “web đối tượng” (“Web of Objects”).
– Thứ hai, mọi người ngày càng nhận thức được rằng công nghệ, tiêu chuẩn và hạ tầng thư viện cần thiết phải được nâng cấp liên tục để bắt nhịp được với nhu cầu mới của bạn đọc và các nhà nghiên cứu. Sự tiến bộ trong lĩnh vực này đòi hỏi tầm nhìn lãnh đạo và tài liệu hướng dẫn thư viện theo kịp các thay đổi vận hành. Tại Vương Quốc Anh, Uỷ ban Hệ thống Thông tin Chung (JISC) đã và đang đảm nhiệm vai trò này bằng việc đưa ra một Chương Trình Hạ tầng Số (Digital Infrastructure Program). Sáng kiến này hiện cung cấp những chỉ dẫn cho thư viện phát triển các luồng công việc bảo quản số hiệu quả và thông báo cho thư viện về các công nghệ và quy trình mới để họ có thể tích hợp vào hạ tầng và dịch vụ thư viện hiện có của mình.
Thực hành: Mỗi xu hướng trong sáu xu hướng mà nhóm chuyên gia của dự án đã nhận diện đều có nhiều ảnh hưởng đối với thư viện đại học và nghiên cứu, và trong nhiều trường hợp, chúng ta dễ dàng tìm thấy nhiều ví dụ ở đây. Sự tập trung ngày càng phổ biến vào sự chuyển giao nội dung của thư viện thông qua các thiết bị di động đã nâng cao khả năng tiếp cận dễ dàng các bộ sưu tập tài liệu cho sinh viên, giảng viên và các nhà nghiên cứu. Hệ thống Thư viện Đại học Duke (Duke University Libraries) có thể là một ví dụ, trường đã đưa vào ứng dụng đọc tạp chí điện tử trên thiết bị di động, một ứng dụng cho phép tối ưu hoá khả năng hiển thị đối với tạp chí khoá học và những tài nguyên thư viện khác trên tất cả các thiết bị di động của người dùng tin.
Để kết luận những gì chúng ta nhận thấy, khi mà nhiều ngành học như kiến trúc và sinh học đang làm đòn bẩy cho kiến thức và kỹ năng từ những lĩnh vực khác nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra, như nâng cao tính bền vững của các toà nhà và tạo ra các đột phá trong điều trị đối với các bệnh có liên quan đến gen, thì nhiều hình mẫu mới của nghiên cứu đa ngành cũng đang nổi lên trên khắp các môi trường học thuật. Để thúc đẩy và có đủ không gian cho sự thay đổi này, nhiều không gian dành riêng sẽ được đưa vào thư viện và trên khắp các khu giảng đường của trường đại học. Ví dụ, tại Đại học Brown (Brown University), Viện Sáng tạo Phân tử và Nano (Institute for Molecular and Nanoscale Innovation) đang kết hợp giảng viên từ chín khoa của trường để cùng đưa ra các phát hiện quan trọng về sức khỏe môi trường và tác dụng của công nghệ nano.
Những bài sau, chúng tôi sẽ đem đến những thảo luận về mỗi xu hướng cụ thể đã được nhận diện bởi nhóm chuyên gia của năm nay, bao gồm mô tả tổng quan của mỗi xu hướng, những tác động liên quan của nó, và những gợi ý đọc thêm về chủ đề này.
Tổng hợp theo bản tin của 2014 Library Edition, NMC Horizon Library Project