Để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp giảng dạy tại ĐHTN, Trung tâm Học liệu coi nhiệm vụ số hóa và xây dựng một số cơ sở dữ liệu (CSDL) toàn văn là một trong những định hướng quan trọng từ những ngày đầu thành lập. Số hóa (Digitization) là quá trình tạo lập những thông tin trên những đối tượng thực sang dạng điện tử hay còn gọi là dạng số. Những đối tượng thực chứa thông tin có thể là các tài liệu dạng văn bản, hình ảnh, bản đồ, băng ghi âm, ghi hình…trên các vật mang tin vật lý (trên giấy, trên phim, giấy ảnh, băng ghi âm, băng ghi hình…). Kết quả của số hóa là những đối tượng thực được chuyển sang đối tượng số dưới dạng tệp tin, những tệp tin này có thể được sử dụng rất nhiều trong xây dựng những CSDL có liên kết với tệp toàn văn.

Mục đích của số hóa là tăng cường sự truy cập đến tài nguyên thông tin, cải thiện chất lượng dịch vụ cho những người dùng tin thông quả khả năng truy cập, giảm việc tiếp xúc trực tiếp những nguồn tài nguyên quý hiếm…, tạo ra bản sao lưu trữ, cho phép cơ quan phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển khả năng chia sẻ thông tin.

Hiện nay để triển khai công tác số hóa, tại TTHL đã hình thành bộ phận Tài liệu điện tử (TLĐT) trực thuộc Phòng Công nghệ thông tin, bộ phận TLĐT đã xây dựng được quy trình số hóa hiện đại với hệ thống thiết bị số hóa KIRTAS công nghệ Hoa Kỳ, đây là thiết bị được thiết kế phù hợp với những đòi hỏi về số hóa tài liệu đóng tập. Hệ thống số hóa này được tích hợp máy ảnh kỹ thuật số chất lượng cao của Canon (có độ phân giải từ 300-600 ppi) với tốc độ 1600trang/giờ, được trang bị hệ thống lật trang tự động cho phép nhẹ nhàng lật chỉ một trang duy nhất tại một thời điểm. Các định dạng đầu ra có thể là TIIF, PDF, JPEG…

Hệ thống số hóa tài liệu KABIS – KIRTAS (Hoa Kỳ)

 Sau 03 năm thực hiện công tác số hóa, TTHL đã đạt được những kết quả nhất định:

Thiết kế, xây dựng được hệ thống quản lý tài nguyên số gồm các chức năng:

  • Hỗ trợ chuẩn biên mục Dublin Core.
  • Quản lý việc tải tài liệu, trao đổi tài liệu của các Trung tâm thông tin thư viện.
  • Truyền file từ máy trạm lên máy chủ thông qua cơ chế FTP.
  • Đánh chỉ mục và tìm kiếm toàn văn.
  • Bảo mật, phân quyền chặt chẽ.
  • Khả năng tích hợp với mọi dạng dữ liệu (doc, PFD, JPEG, Video…).
  • Khả năng kiểm soát truy cập theo chính sách của thư viện.
  • Phát triển theo mô hình Client/Server, triển khai bảo trì dễ dàng.
  • Tích hợp dễ dàng với website của các thư viện, Trung tâm Học liệu…
  • Thống kê, báo cáo rõ ràng cụ thể theo định dạng biểu đồ…

Nguồn tài nguyên số hiện đang có tại TTHL:

Xây dựng thư viện điện tử/thư viện số là một trong những xu thế quan trọng trong tương lai của ngành thông tin – thư viện. Việc xây dựng và bổ sung nguồn tài nguyên số góp phần nâng cao khả năng phục vụ nhu cầu dùng tin ngày càng cao của bạn đọc, trong thời gian tới TTHL tiếp tục đẩy mạnh công tác số hóa và tạo lập nguồn tài nguyên số định hướng đến năm 2015 là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển tài nguyên số của cả nước.

ThS. Trần Hồng Anh
Trung tâm Học liệu – ĐHTN