Hôm nay thủ thư của Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, James H. Billington và phó giám đốc về thông tin liên lạc của UNESCO, Abdul Waheed Khan đã ký kết một hiệp định tại trụ sở chính của UNESCO ở Paris đánh dấu những nỗ lực hợp tác trong việc xây dựng Web site Thư Viện Số Thế Giới.

Dự án xây dựng Thư Viện Số Thế Giới (The World Digital Library) sẽ số hóa những tài liệu quý hiếm và độc nhất từ những thư viện và những viện hàn lâm trên thế giới nhằm tạo cho chúng có thể được truy cập miễn phí trên Internet. Những tài liệu này bao gồm những bản thảo chép tay, bản đồ, sách, bảng tổng phổ nhạc, bản ghi âm, phim ảnh, tài liệu in và ảnh chụp. Mục tiêu của Thư Viện Số Thế Giới nhằm nâng cao sự hiểu biết về trao đổi văn hóa và quốc tế, tăng số lượng và tính đa dạng của những tài liệu văn hóa trên mạng Internet, đồng thời đóng góp cho nền giáo dục và học thuật.

Theo như các điều khoản của hiệp định, Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ và UNESCO sẽ cùng nhau tập hợp những nhóm vận hành gồm các chuyên gia và những người nắm tiền vốn của dự án để triển khai đường lối thực hiện và phát triển những chi tiết kỹ thuật về chuyên môn cho dự án, đồng thời kết nạp thêm những hội viên mới và đảm bảo sự hỗ trợ thiết thực cho dự án từ những nguồn do chính quyền và cá nhân cung cấp. Một phần chính yếu của dự án là xây dựng những năng lực tiềm tàng cho thư viện số trong việc phát triển thế giới, vì thế mà tất cả các quốc gia và khu vực trên thế giới đều có thể tham gia và được trình bày trong Thư Viện Số Thế Giới.

Nhằm thử nghiệm tính khả thi của dự án, Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, UNESCO và năm thư viện hội viên khác – gồm Thư Viện Bibliotheca Alexandrina của Alexandria ở Ai Cập; Thư Viện Quốc Gia Brazil; Thư Viện Quốc Gia Ai Cập; Thư Viện Quốc Gia Nga; và Thư Viện Tiểu Bang Nga — đã phát triển một phiên bản mẫu đầu tiên của Thư Viện Số Thế Giới. Phiên bản mẫu hiện đang được vận động để trình bày cho các phái đoàn quốc gia tại Hội Nghị Chung UNESCO. Và Web site của Thư Viện Số Thế Giới sẽ chính thức ra mắt công chúng vào cuối năm 2008 hoặc đầu năm 2009.

Phiên bản mẫu chạy dưới sáu ngôn ngữ thuộc tổ chức Liên Hiệp Quốc ¬– như tiếng Ả Rập, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha, có phụ thêm tiếng Bồ Đào Nha – và chú trọng vào chức năng tìm kiếm theo địa điểm, thời gian, chủ đề và thư viện liên kết. Dữ liệu đầu vào cho thiết kế của phiên bản mẫu phải thông qua một quá trình tư vấn mà có sự tham gia của UNESCO, Liên Hiệp các Hiệp hội và Tổ Chức Thư Viện-IFLA(International Federation of Library Associations and Institutions), những cá nhân và các thư viện trên hơn 40 quốc gia.

Ông Billington cho biết "UNESCO là một đối tác đặc biệt của Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ trong suốt quá trình phát triển nguồn tài nguyên toàn cầu trọng yếu này". "Chúng tôi mong muốn giữ vững được sự hợp tác với UNESCO giống như chúng tôi làm việc với các hội viên hiện tại và các hội viên khác trong tương lai ở công trình lý thú này nhằm đem những tài sản văn hóa của thế giới đến cho thế giới."

Được sáng lập vào năm 1800, Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ là thư viện văn hóa liên bang lâu đời nhất tại Mỹ đồng thời là thư viện lớn nhất trên thế giới, với hơn 134 triệu đầu tài liệu ở hơn 450 ngôn ngữ khác nhau. Những bộ sưu tập của thư viện phổ biến rộng rãi và có thể sử dụng ở tất cả các định dạng thông tin lưu trữ. Thư Viện theo đuổi sự thông tuệ và hiểu biết xa hơn nữa bằng cách cung cấp con đường dẫn đến tri thức và tôn vinh thành tựu của nhân loại.

Tham khảo thêm thông tin về Thư Viện Số Thế Giới xin hãy vào: www.worlddigitallibrary.org.

Theo Bản tin thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ
Guy Lamolinara, Library of Congress (202) 707-9217
Ngày 17 tháng 10 năm 2007